Cao Thị Hiền

Không có giấy phép phòng cháy, chữa cháy bị phạt bao nhiêu?

Xin cấp giấy chứng nhận phòng cháy, chữa cháy giúp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đảm bảo an toàn về các hoạt động phòng cháy, chữa cháy. Để nâng cao hiệu quả quản lý về phòng cháy, chữa cháy, pháp luật đề ra một số quy định xử phạt về hành vi không chấp hành quy định về phòng chống cháy nổ. Bài viết dưới đây của Luật Minh Gia sẽ cung cấp nội dung quy định về trường hợp không có giấy phép phòng cháy, chữa cháy bị xử phạt bao nhiêu?

1. Giấy phép phòng cháy, chữa cháy là gì?

Giấy phép phòng cháy, chữa cháy là tài liệu pháp lý chứng minh đối tượng được cấp đã đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật. Đây là một trong những loại giấy phép con phổ biến và bắt buộc khi cá nhân, tổ chức kinh doanh các ngành nghề có yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy.

2. Đối tượng phải xin giấy phép phòng cháy, chữa cháy

Căn cứ khoản 3 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định các đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy bao gồm:

“3. Đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy:

a) Đồ án quy hoạch xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các khu chức năng khác theo Luật quy hoạch;

b) Các dự án, công trình quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này khi xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại điểm b khoản 5 Điều này;

c) Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại mục 21 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này khi chế tạo mới hoặc hoán cải ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại điểm c khoản 5 Điều này.”

Điều 4 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy như sau:

  • Cơ sở là nơi sản xuất, kinh doanh, công trình công cộng, trụ sở làm việc, khu chung cư và công trình độc lập khác theo danh mục do Chính phủ quy định. Được xác định là cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy. Cơ quan, tổ chức có thể có một hoặc nhiều cơ sở; trong phạm vi một cơ sở có thể có nhiều cơ quan, tổ chức cùng hoạt động.
  • Danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy được quy định tại phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. Cụ thể các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy được liệt kê như sau:

+ Trụ sở cơ quan nhà nước các cấp;

+ Nhà chung cư; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá; nhà hỗn hợp;

+ Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non; trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học; trường cao đẳng, đại học, học viện; trường trung cấp chuyên nghiệp; trường dạy nghề; cơ sở giáo dục thường xuyên; cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật giáo dục.

+ Bệnh viện, các phòng khám, nhà điều dưỡng, cơ sở phục hồi chức năng, chỉnh hình, khoa lão , các cơ sở phòng chống dịch bệnh, CDC, trạm y tế,…các mô hình y tế được thành lập theo Luật y tế.

+ Các rạp chiếu phim, cơ sở giải trí như nhà hát kịch, trung tâm hội nghị thương mại, tổ chức sự kiện, văn hóa, quán bar, câu lạc bộ, công viên giải trí, vườn thú…

+ Các cơ sơ bảo tàng, nhà trưng bày, nhà văn hóa, nhà lưu trữ, nhà sách, hội chợ, các cơ sở tôn giáo như chùa, nhà thờ;

+ Bưu điện, nhà ga, các cơ sở giao thông công cộng như bến xe, sân bay, càng hàng không, đài kiểm soát không lưu, bến cảng, bến thủy nội địa, cáp treo, các cơ sở sửa xe, cơ sở đăng kiểm ô tô cơ giới, cửa hàng bảo dưỡng ô tô, xe máy…

+ Các công trình cộng đồng như hầm xe, bãi xe, hầm đường bộ…

+ Các cơ sở công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy nổ hạng A,B,C,D,E.

+ Các cơ sở, doanh nghiệp không thuộc danh mục từ 1 tới 19 có trạm cấp xăng nội bộ, hoặc có sử dụng khí đốt với tổng lượng khí từ 700 kg trở lên.

3. Không có giấy phép phòng cháy, chữa cháy bị phạt bao nhiêu?

Theo quy định của pháp luật, không có giấy phép phòng cháy, chữa cháy hoặc không đáp ứng điều kiện cần có để quản lý phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở có thể sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể:

Điều 30 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ như sau:

1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không tổ chức thực hiện văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan có thẩm quyền;

b) Không thực hiện văn bản yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan có thẩm quyền;

c) Không xuất trình hồ sơ, tài liệu phục vụ kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

d) Không bố trí người có thẩm quyền, trách nhiệm làm việc với người có thẩm quyền kiểm tra khi đã nhận được thông báo về việc kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

đ) Không tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật;                                                                                                            

e) Không gửi báo cáo kết quả kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Đồng thời Điều 31 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ như sau:

1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không đủ tài liệu trong hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật;

b) Không cập nhật, bổ sung hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Ngoài ra, đối với đối tượng phải xin giấy phép phòng cháy, chữa cháy là các công trình xây dựng, dự án xây dựng thì khoản 4, 5 Điều 38 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo