Cao Thị Hiền

Người chưa thành niên là gì? Có được từ chối nhận di sản thừa kế?

Thừa kế là việc dịch chuyển tài sản của người đã mất cho người còn sống, tài sản mà người đã mất để lại được gọi là di sản thừa kế. Cá nhân trước khi mất có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật, hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Song, trên thực tế một số người thừa kế không có nhu cầu nhận thừa kế di sản, trong đó có đối tượng là người chưa thành niên có mong muốn từ chối nhận di sản thừa kế. Vậy, người thừa kế là người chưa thành niên phải đáp ứng những điều kiện nào để từ chối nhận di sản thừa kế. Bài viết dưới đây của Luật Minh Gia sẽ tư vấn cho bạn các nội dung này.

1. Định nghĩa về người chưa thành niên

Tại Điều 21 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người chưa thành niên như sau:

1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Như vậy, người chưa thành niên được hiểu là người chưa đủ mười tám tuổi. Các giao dịch dân sự của người chưa thành niên phụ thuộc vào độ tuổi theo từng giai đoạn cụ thể nhưng chủ yếu được xác lập, thực hiện thông qua người đại diện của họ.

2. Người chưa thành niên có được từ chối nhận di sản thừa kế?

Căn cứ Điều 620 Bộ luật dân sự 2015 quy định về từ chối nhận di sản như sau:

1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.

Theo quy định này, người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản nếu việc từ chối nhận di sản đó không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành, quy định về giao dịch dân sự do người chưa thành niên xác lập về di sản thừa kế phải được người đại diện theo pháp luật xác lập hoặc đồng ý theo độ tuổi cụ thể của người chưa thành niên.

3. Phạm vi đại diện của người đại diện cho người chưa thành niên

Điều 141 Bộ luật dân sự 2015 quy định về phạm vi đại diện cụ thể như sau:

1. Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau đây:

a) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

b) Điều lệ của pháp nhân;

c) Nội dung ủy quyền;

d) Quy định khác của pháp luật.

2. Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Người đại diện phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình.

Như vậy, nếu không có xung đột về lợi ích giữa người được đại diện và người đại diện thì được phép thực hiện – không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó. Do đó, người chưa thành niên có thể từ chối nhận di sản thừa kế và phải có sự xác lập hoặc đồng ý của người đại diện theo pháp luật trong phạm vi đại diện theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 136 Bộ luật dân sự 2015 đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên là cha mẹ. Do đó, con chưa thành niên có thể từ chối nhận di sản thừa kế phải có sự xác lập hoặc đồng ý của cha mẹ theo phạm vi đại diện của pháp luật.

4. Hậu quả pháp lý của việc từ chối nhận di sản

Đối với thừa kế theo di chúc:

Những người được chỉ định nhận thừa kế theo di chúc mà từ chối nhận di sản thừa kế thì phần di sản đó sẽ được chia theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc như con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ chồng hoặc con thành niên không có khả năng lao động. Nhưng những đối tượng này vẫn có quyền từ chối nhận di sản thừa kế. Khi đó phần thừa kế của họ sẽ chia cho những người hưởng theo di chúc.

Đối với thừa kế theo pháp luật:

Người được hưởng thừa kế theo pháp luật mà từ chối nhận di sản thừa kế thì phần của người đó sẽ được chia đều cho những người cùng hàng thừa kế với người từ chối nhận di sản thừa kế. Chỉ khi những người ở hàng thừa kế trước từ chối nhận di sản thì những người ở hàng thừa kế sau được hưởng thừa kế.

Trên đây là quy định của pháp luật về trường hợp người chưa thành niên có được từ chối nhận di sản thừa kế? Từ chối nhận di sản là một quyền và một thủ tục pháp lý nhằm từ bỏ quyền hưởng di sản do người chết để lại trong trường hợp được hưởng, do vậy người được nhận thừa kế cần cân nhắc việc từ chối nhận di sản thừa kế. Nếu bạn đọc còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác thì bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn